Viêm gan B là bệnh nhiễm trùng cấp hoặc mãn tính gây ra bởi vi rút theo 5 đường truyền nhiễm là: chu sinh (từ mẹ sang con), trẻ sang trẻ, tiêm không an toàn, quan hệ tình dục và tiêm chích ma tuý.

Việt Nam hiện là một trong những nước có tỷ lệ người nhiễm viêm gan B mãn cao trên thế giới (trên 8%) với nguy cơ nhiễm trùng trên 60% và chủ yếu khi còn trẻ. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo "Tăng cường tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh khu vực miền Bắc" do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tổ chức.
Viêm gan B là bệnh nhiễm trùng cấp hoặc mãn tính gây ra bởi vi rút theo 5 đường truyền nhiễm là: chu sinh (từ mẹ sang con), trẻ sang trẻ, tiêm không an toàn, quan hệ tình dục và tiêm chích ma tuý. Trẻ sơ sinh và trẻ khi nhiễm trùng thường không có triệu chứng lâm sàng, song có 90% trẻ nhiễm trùng trở thành người lành mang trùng và hậu quả là bệnh xơ gan hoặc ung thư gan.
PGS.TS. Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: Nếu liều vắc-xin viêm gan B đầu tiên được tiêm trong vòng 12 giờ đầu sau khi sinh, thậm chí ngay cả khi mẹ có vi rút viêm gan B thì sẽ phòng được khoảng 85 % nhiễm trùng.
Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm, tỷ lệ trẻ sơ sinh tiêm vắc-xin viêm gan B giảm tới hơn một nửa. Nguyên nhân là do một số sự cố đã xảy ra khi trẻ tiêm vắc-xin viêm gan B sau sinh khiến các bậc phụ huynh lo ngại. Nhưng theo giải thích của PGS.TS. Nguyễn Trần Hiển phần lớn trẻ bị tử vong sau khi tiêm là do cơ địa.
Qua nghiên cứu cho thấy trẻ bị phản ứng ngay sau khi tiêm vắc-xin viêm gan B thường do 5 nguyên nhân: phản ứng xảy ra do vắc-xin, phản ứng do sai sót trong tiêm chủng, phản ứng gây nên do các bệnh khác (như: viêm phổi, dị tật, nhồi máu...), phản ứng do lo âu hoặc tiêm đau và không xác định được nguyên nhân.
Trên thế giới hiện có 350 triệu người mắc viêm gan mãn, trong đó 15- 25% người chết do xơ gan hoặc ung thư gan và khoảng 1 triệu trường hợp tử vong/năm.